Công cụ

Liên kết-Quảng cáo

bo_lao_dong_TBXH.png

 

 

 

Thống kê website

2926803
Hôm nay
Hôm qua
Trong tuần
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Lượt truy cập
1210
872
32335
2868307
64452
49921
2926803

IP: 13.58.200.78
12:59 21/11/2024

Luật giáo dục nghề nghiệp?

       Ngày 27 tháng 11 năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2015. Có thể nói, đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế.

 

1. Về tên gọi của Luật

     

     Thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Tuy nhiên, theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2013, không có thuật ngữ "dạy nghề" mà chỉ có thuật ngữ “giáo dục nghề nghiệp” và thuật ngữ “học nghề” tại Điều 61 quy định về giáo dục. Như vậy có thể hiểu việc học nghề, bao gồm cả học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đều thuộc về giáo dục nghề nghiệp.

     Trên thế giới  hiện nay thường dùng thuật ngữ "Vocational Education and Training" (VET) với nghĩa Giáo dục và đào tạo nghề hoặc "Technical Vocational Education and Training" (TVET) với nghĩa Giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề và đều được hiểu chung theo nghĩa rộng là Giáo dục nghề nghiệp (Vocational Education). Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của các nước đều sử dụng thuật nghữ VET hoặc TVET và có một số nước, sử dụng chính thuật ngữ Vocational Education cho tên luật - Vocational Education Law (Ví dụ: Luật GDNN của Cộng hòa Latvia, Trung Quốc, Ailen.v.v....)

     Do vậy, để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề được đổi tên thành Luật Giáo dục nghề nghiệp (Law on Vocational Education and Training).

 

2. Về những điểm mới và tiến bộ của Luật Giáo dục nghề nghiệp

      Luật Giáo dục nghề nghiệp gồm 8 chương, 79 điều và có nhiều điểm mới, tiến bộ trong đó có một số điểm mới quan trọng, cụ thể:

 - Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp

     Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm: trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong dạy nghề lại có các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Như vậy, vô hình trung, hệ thống giáo dục Việt Nam có 2 trình độ trung cấp, 2 trình độ cao đẳng và do 2 cơ quan quản lý khác nhau. Theo đó, để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, làm thay đổi toàn diện cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới bao gồm: Trình độ sơ cấp; trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.

 

- Đổi mới tên gọi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 

     Với việc cấu trúc lại hệ thống trình độ đào tạo, nên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự đổi mới, gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (là sự thống nhất của trung tâm kỹ thuật, tổng hợp, hướng nghiệp và trung tâm dạy nghề), trường trung cấp (là sự thống nhất của trường trung cấp chuyên nghiệp và trường trung cấp nghề) và trường cao đẳng (là sự thống nhất của cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề). Thực chất là đưa trường cao đẳng chuyên nghiệp tách khỏi giáo dục đại học. Giáo dục đại học chỉ còn trường đại học đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.

 

 - Đổi mới tổ chức quản lý, đào tạo

 

     Nếu trước đây, tổ chức đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỉ có phương thức đào tạo theo niên chế thì bây giờ Luật quy định rõ trong tổ chức quản lý đào tạo có thêm 2 phương thức đào tạo mới: Đào tạo theo tích lũy mô đun và đào tạo theo tích lũy tín chỉ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quyền lựa chọn phương thức đào tạo theo điều kiện của từng cơ sở.

 

     Theo phương thức đào tạo này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ là hệ thống mở, linh hoạt, đảm bảo liên thông thuận lợi giữa các cấp trình độ đào tạo trong cùng nghề hoặc với các nghề khác hoặc liên thông lên trình độ cao hơn trong hệ thống giáo dục quốc dân; người học được coi là trung tâm của quá trình đào tạo, được học theo năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, có thể học nhiều nội dung trong cùng thời gian và được công nhận theo hình thức tích lũy các năng lực; người học có thể học rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân người học.

 

 - Đổi mới tuyển sinh

 

     Theo quy định hiện hành, cơ sở dạy nghề chỉ được tuyển sinh theo quy mô của từng nghề đào tạo ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề (do cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp), không được tuyển vượt. Thậm chí nếu tuyển vượt 1 chỉ tiêu trình độ cao đẳng nghề thì bị xử lý vi phạm hành chính. Khắc phục bất cập đó, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở điều kiện về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; được tuyển sinh nhiều lần trong năm; được tổ chức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển, thi tuyển. 

 

 - Đổi mới thời gian đào tạo trung cấp đối với những người tốt nghiệp trung học cơ sở

 

     Thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ 01 đến 2 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế (theo quy định hiện hành là từ 3 - 4 năm do phải học thêm văn hóa trung học phổ thông). Đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông. Đây là nội dung mang tính tự chọn. Như vậy, nội dung văn hóa trung học phổ thông không trở thành nội dung bắt buộc đối với người học như quy định của Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục. Đối với thời gian học theo tích lũy mô-đun, tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo, không phụ thuộc vào số năm học. 

 

 - Đổi mới chương trình đào tạo

 

    Trước đây theo quy định của Luật Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành chương trình khung đối với từng nghề đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng. Trên cơ sở chương trình khung, các cơ sở dạy nghề ban hành chương trình dạy nghề chi tiết. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà nước không ban hành chương trình khung mà giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo. Hiện nay, theo Dự thảo Khung trình độ quốc gia của Việt Nam, Khung trình độ gồm 8 bậc: Bậc 1, 2 tương đương ở mức đào tạo dưới 3 tháng (ngắn hạn); Bậc 3 trình độ sơ cấp; Bậc 4 trình độ trung cấp; Bậc 5 trình độ cao đẳng; Bậc 6 đại học, Bậc 7 cao học, Bậc 8 Tiến sĩ. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp căn cứ vào chuẩn kỹ năng của từng bậc trong khung trình độ quốc gia để xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp.

 

 - Đổi mới kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp

 

     Theo quy định hiện hành, người học sau quá trình học tập phải thi tốt nghiệp, nếu đạt mới được xem xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp. 

 

    Với phương thức đào tạo mới, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định đối với chương trình đào tạo theo tích lũy mô-đun, tín chỉ nếu người học tích lũy đủ môn-đun, tín chỉ theo quy định của chương trình đào tạo thì được xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, không phải thi tốt nghiệp cuối khóa. Đối với người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành tùy vào ngành nghề đào tạo. 

 

 - Đổi mới chính sách với người học

 

    Chính sách đối với người học được thể hiện mạnh mẽ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đây được coi là một trong những giải pháp thực hiện phân luồng, thu hút người học, tạo sự hấp dẫn đối với người học tham gia giáo dục nghề nghiệp, cụ thể như: 

 

 + Người học được miễn học phí đối với các đối tượng chính sách xã hội; đối với người học tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) khi học trung cấp; đối với những nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu và những ngành nghề đặc thù;

 

 + Người học được hưởng chính sách nội trú đối với người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi học trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng 

 

 + Người học sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu, mức lương cơ sở hoặc khởi điểm.

 

 - Đổi mới chính sách với nhà giáo

 

     Theo quy định hiện hành, nhà giáo dạy nghề không có chức danh, không có thang bảng lương riêng; chính sách tôn vinh, đãi ngộ thiệt thòi.v.v... Khắc phục các bất cập đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định về các chức danh đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quy định thang bảng lương gắn với chức danh; quy định rõ chính sách tôn vinh (nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú), kéo dài thời gian làm việc với những nhà giáo có trình độ, học hàm học vị, có tay nghề cao. Nhà giáo dạy thực hành, vừa dạy lý thuyết thực hành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

 

 - Đổi mới chính sách gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

 

    Doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp với vai trò là chủ thể có quyền và trách nhiệm như nhau trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Toàn bộ chi phí cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp được trừ để tính thu nhập chịu thuế. Nội dung này không chỉ quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp mà còn được cụ thể hơn trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế cũng được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua.

 

 - Đổi mới, nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

 

     Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ trong các hoạt động thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện theo quy định của Chính phủ.

 

 - Đổi mới về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

 

    Xác định hội nhập là xu thế tất yếu, Luật Giáo dục nghề nghiệp có một mục riêng quy định về hợp tác quốc tế, như: Quy định các hình thức hợp tác quốc tế; liên kết đào tạo với nước ngoài; thành lập văn phòng đại diện của cơ sở nước ngoài tại Việt Nam và văn phòng đại diện của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tại nước ngoài; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài; quy định trình tự, thủ tục công nhận bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.v.v...

 

   Ngoài những nội dung nêu trên, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định về nhiều nội dung quan trọng khác như đổi mới mục tiêu; đổi mới kiểm định chất lượng đào tạo nghề nghiệp; về chính sách xã hội hóa.v.v…

 

 3. Về việc tổ chức triển khai thi hành Luật

 

   Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Để triển khai thi hành Luật, nhiều nội dung sẽ phải được chuẩn bị. Có thể nêu lên đây một số nội dung sau: 

 

 - Thực hiện tái cấu trúc hệ thống giáo dục nghề nghiệp

 

    Tổng cục Dạy nghề sẽ được đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tổ chức bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương sẽ được kiện toàn, bổ sung để tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mới;

 

    Các cơ sở dạy nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng sẽ được đổi tên theo quy định của Luật. Trung tâm dạy nghề sẽ được đổi tên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hai chức năng dạy nghề và giáo dục hướng nghiệp. Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp ở các địa phương trước đây thuộc giáo dục phổ thông sẽ được sáp nhập vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

 

 - Xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật

 

     Thực hiện Quyết định số 2296/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và phân công soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng 3 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

 

    Ngoài ra, Tổng cục Dạy nghề đang dự thảo 24 thông tư hướng dẫn các nội dung khác theo thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và một số các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức hoạt động đào tạo cần cũng phải được sửa đổi ngay để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

 

 - Tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục nghề nghiệp

 

    Thực hiện quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, để mọi người dân và nhất là các đối tượng chịu tác động của Luật Giáo dục nghề nghiệp hiểu biết, nắm được các quy định của Luật, từ nay đến năm 2015, 2016, Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được tuyên truyền, phổ biến đến mọi đối tượng thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến.

 

 - Một số công việc khác như: Hướng dẫn công tác tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 8 của Luật Giáo dục nghề nghiệp; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nghề trọng điểm, các trường chất lượng cao để phù hợp với hệ thống mới.

 

    Hội nhập vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với mỗi quốc gia. Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ để tham gia sâu rộng vào sân chơi của các nước trong khu vực và quốc tế. Với Luật Giáo dục nghề nghiệp, với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và có tính đột phá, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ hội nhập tốt với các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của nhân lực lao động Việt Nam trên trường quốc tế./.

 

 - MX - nguồn: tcdn.gov.vn

 

 
 

 

Fanpage

Đường đi đến VMU

BAN BIÊN TẬP

Chịu trách nhiệm nội dung và xuất bản:
PGS.TS. Đỗ Quang Khải - Hiệu trưởng
Mọi ý kiến đóng góp, gửi bài cho Trang Web: vmc.edu.vn
Xin vui lòng gửi tại đây
 
TRƯỜNG CAO ĐẲNG VMU_Trụ sở: Đường Hải Triều, Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng; _Khu giảng đường: Giảng đường B - Đại học Hàng hải VN - Số 338 Lạch Tray, Hải Phòng.

Thành viên