Công cụ

Liên kết-Quảng cáo

bo_lao_dong_TBXH.png

 

 

 

Thống kê website

2926345
Hôm nay
Hôm qua
Trong tuần
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Lượt truy cập
752
872
31877
2868307
63994
49921
2926345

IP: 3.139.67.228
09:43 21/11/2024

Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học dành cho Học sinh, Sinh viên

     Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong hai nhiệm vụ chính đối với mỗi sinh viên tại các trường đại học bên cạnh nhiệm vụ học tập. Việc tham gia NCKH có mục tiêu quan trọng là giúp sinh viên hứng thú và hăng say hơn trong học tập, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho sự tìm tòi tri thức khoa học, giúp sinh viên có thể vững vàng, tự tin hơn khi tiếp cận công việc trong tương lai.

     Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động NCKH sinh viên hiện nay chưa thật sự được quan tâm đúng mức, chưa trở thành lĩnh vực chủ đạo của sinh viên (thường quan tâm tới nhiệm vụ học tập nhiều hơn). Rất ít sinh viên có nguyện vọng và hầu như không có nhu cầu tham gia NCKH, thậm chí chưa bao giờ biết đến hoạt động này. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kết quả NCKH của sinh viên vào thực tế còn gặp rất nhiều hạn chế, và có thể nói hoạt động này vẫn còn dừng lại ở dạng phong trào.

     Một trong những nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do hoạt động NCKH trong sinh viên chưa thật sự được đầu tư theo chiều sâu, kinh phí dành cho công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của NCKH trong sinh viên rất yếu, đa số sinh viên chưa nắm được quy trình thực hiện một đề tài.

     Dưới đây, xin nêu ra một số khó khăn cụ thể cũng như những điểm cần lưu ý đối với các bạn sinh viên khi tiến hành nghiên cứu một đề tài khoa học:

1. Ý tưởng của đề tài:

     Vấn đề đầu tiên mà các bạn sinh viên thường hay gặp phải chính là tìm kiếm ý tưởng cho đề tài. Thông thường, để bắt đầu một đề tài NCKH, chúng ta cần xác định chính xác nội dung nghiên cứu. Đó có thể là một vấn đề phát sinh trong chính quá trình học tập của sinh viên, hay những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hàng ngày mà chưa được giải quyết triệt để, hoặc đơn giản là sự phát triển các đề tài có trong tiểu luận trên lớp học,…

     Đề tài được chọn nên chứa đựng trong nó những vấn đề mang tính cấp thiết và có ý nghĩa cao. Có thể những gì sinh viên nêu ra chỉ là một sự kiện nhỏ song một ý tưởng táo bạo, mới mẻ và sáng tạo sẽ luôn được đánh giá cao. Vấn đề có thể chưa được giải quyết triệt để, song nó sẽ là cơ sở, nền tảng cho những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

     Tên của đề tài nên được “chính xác hóa”, “cụ thể hóa” về mặt đối tượng nghiên cứu, cũng như về thời gian và không gian khảo sát. Tên đề tài cần được viết rõ ràng, tránh dài dòng hoặc gây hiểu lầm không cần thiết.

2. Xác định chính xác các nội dung trong phần mở đầu:

     Phần mở đầu của một đề tài có ý nghĩ rất quan trọng. Nó cho thấy cái nhìn tổng quan và toàn diện về những định hướng và dự kiến nội dung cần thiết đối với người nghiên cứu, đồng thời thông qua phần mở đầu, các cấp quản lý mới có thể xem xét và quyết định có chấp nhận cho tác giả (hoặc nhóm tác giả) tiếp tục thực hiện đề tài hay không. Trong phần này, sinh viên thường không phân phân biệt chính xác một số khái niệm cơ bản như “đối tượng nghiên cứu” và “khách thể nghiên cứu”. Không phải lúc nào đối tượng nghiên cứu cũng là “con người”, đây là điểm các bạn rất hay nhầm lẫn.

3. Tìm kiếm tài liệu

     Sinh viên cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu, thông tin phục vụ đề mục “lịch sử nghiên cứu đề tài” (hay tổng quan tình hình nghiên cứu). Những đề tài đã hoặc đang nghiên cứu liên quan tới vấn đề tác giả quan tâm có thể tham khảo tại nhiều nguồn khác nhau, trong đó Internet là công cụ rất hiệu quả để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, sinh viên có thể sử dụng danh mục tài liệu trong thư viện của trường, các luận văn, đồ án tốt nghiệp của các Khoa. Việc tìm hiểu tổng quát các đề tài, báo cáo, tài liệu,… của các tác giả khác sẽ giúp sinh viên có thể biết được đề tài đang triển khai đã được các tác giả khác nghiên cứu tới đâu, có thể kế thừa và phát triển như thế nào, từ đó có định hướng cụ thể cho nội dung sẽ nghiên cứu.

4. Về phương pháp nghiên cứu:

     Hiện nay sinh viên chủ yếu tiến hành đề tài bằng phương pháp điều tra xã hội học, song việc thu thập và xử lý thông tin từ phương pháp này cũng chưa được thực hiện triệt để. Hầu hết các bảng số liệu được trình bày trong đề tài chỉ thể hiện được hai chỉ số, đó là: số lượng (Friquency) và tỷ lệ phần trăm (Percen). Tuy nhiên, người nghiên cứu nên kết hợp với cách tính trị trung bình (Mean) để phân tích số liệu và xếp hạng các nội dung khi cần thiết.

    Bên cạnh đó, hầu hết sinh viên chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của các phương pháp thu thập thông tin định tính như phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm, quan sát, nghiên cứu tài liệu,… Việc xử lý thông tin định tính cũng là vấn đề khó khăn đối với mỗi sinh viên do lượng thông tin thu thập được nhiều nên khó tổng hợp lại được, đồng thời, sinh viên cũng không xác định được thông tin nào là cần thiết, thông tin nào có thể bỏ qua.

5. Về văn phong trình bày:

     Đây có lẽ là điều nên được quan tâm và chú ý. Một đề tài NCKH của SV được đánh giá cao không hẳn vì có nội dung tốt mà quan trọng hơn là hình thức trình bày phải rõ ràng, mạch lạc, văn phong khoa học và chặt chẽ. Khá nhiều sinh viên còn yếu về mặt này, bài viết thường mắc nhiều lỗi chính tả, cách dùng từ ngữ còn theo kiểu “văn nói”, thậm chí câu văn rất lủng củng, thiếu logic, không thuyết phục người đọc. Để cải thiện tình trạng này, các bạn nên tham khảo cách thức trình bày trong các đề tài, luận văn, công trình nghiên cứu cụ thể của các tác giả khác. Đây là cơ hội để các bạn lĩnh hội những kinh nghiệm vô giá từ những người đi trước, bổ sung và làm giàu thêm tri thức cho bản thân, đặc biệt là cách thức diễn đạt. Để hình thành khả năng diễn đạt tốt, không còn cách nào khác, sinh viên cần phải rèn luyện thường xuyên để dần hình thành cho mình một phong cách riêng.

6. Lên kế hoạch cụ thể cho các hoạt động nghiên cứu:

     Tác giả hoặc nhóm tác giả (nếu có nhiều thành viên tham gia) cần xây dựng kế hoạch công việc thật chi tiết và cụ thể, bao gồm các mốc thời gian cần hoàn thành và nguồn lực dự kiến. Cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các thành viên trong nhóm. Một thực tế dễ nhận thấy là nhiều nhóm đề tài chưa sử dụng hết khả năng của mỗi thành viên.Điều này có thể dẫn đến tính kém hiệu quả của đề tài, thậm chí gây ra sự mất đoàn kết trong nhóm. Ngoài ra, việc lên kế hoạch công việc còn quan trọng bởi vì thông thường hoạt động NCKH của sinh viên trùng với thời gian học tập chính thức. Do đó, cần sắp xếp và giành một khoảng thời gian nhất định hằng ngày cho việc thảo luận nhóm, thu thập tài liệu và viết nội dung đề tài. Nếu để mọi việc ứ đọng, sẽ dẫn đến sự chán nản, lo lắng, có thể làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và tiến độ triển khai đề tài.

7. Lưu ý thêm về tài liệu tham khảo:

     Một trong những trở ngại lớn đối với mỗi sinh viên là chưa biết sử dụng nguồn tài liệu tham khảo từ nhiều phương tiện khác nhau. Hiện nay, việc tìm kiếm thông tin phục vụ đề tài (đặc biệt là với phần cơ sở lý luận) không còn là vấn đề quá lo lắng đối với mỗi sinh viên. Tuy vậy, làm thế nào để có những thông tin phù hợp, giúp giải quyết, bổ trợ cho các nội dung đang nghiên cứu, đồng thời tham khảo ý tưởng thế nào là không vi phạm bản quyền tác giả, không bị coi là “đạo văn”,… lại là những vấn đề cần quan tâm. Theo tôi, với những ý tưởng, nội dung tham khảo trực tiếp của các tác giả khác, cần phải được cước chú (footnote) rõ ràng, tránh sử dụng nguyên trạng ý tưởng của họ. Nếu chỉ lấy một số ý nào đó trong bài viết, cần phát triển theo tư duy của bản thân sao cho phù hợp với phần nội dung trình bày.

8. Đối với việc trao đổi cùng giảng viên hướng dẫn

    Các bạn nên gửi bài viết hoặc những gì đã chuẩn bị qua Email cho thầy cô trước khi gặp trực tiếp. Điều này sẽ giúp thầy cô có thêm thời gian đọc và nghiên cứu những gì các bạn đang thực hiện, từ đó có sự hướng dẫn, định hướng cho các bạn tốt hơn. Nhiều sinh viên thường “ngại” hoặc tìm cách né tránh giảng viên hướng dẫn. Đây là một nhược điểm cần được khắc phục.Sinh viên nên có tinh thần ham học hỏi, tiếp thu sự hướng dẫn của giáo viên, điều này sẽ là kinh nghiệm tốt không chỉ áp dụng trong việc thực hiện đề tài NCKH mà còn góp phần xây dựng thái độ tích cực của sinh viên trong suốt quá trình học tập của mình.

     NCKH là dạng hoạt động đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, trí tuệ cũng như tiền bạc. Hoạt động này thường vất vả, có thể gặp phải không ít khó khăn thậm chí là thất bại. Do đó, chỉ những ai thật sự yêu thích và đam mê mới có thể vững vàng trên con đường đầy khó khăn, nhưng cũng rất vinh quang này.

Nguồn: http://www.khoahoctre.com.vn

Fanpage

Đường đi đến VMU

BAN BIÊN TẬP

Chịu trách nhiệm nội dung và xuất bản:
PGS.TS. Đỗ Quang Khải - Hiệu trưởng
Mọi ý kiến đóng góp, gửi bài cho Trang Web: vmc.edu.vn
Xin vui lòng gửi tại đây
 
TRƯỜNG CAO ĐẲNG VMU_Trụ sở: Đường Hải Triều, Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng; _Khu giảng đường: Giảng đường B - Đại học Hàng hải VN - Số 338 Lạch Tray, Hải Phòng.

Thành viên