Công cụ

Liên kết-Quảng cáo

bo_lao_dong_TBXH.png

 

 

 

Thống kê website

2930907
Hôm nay
Hôm qua
Trong tuần
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Lượt truy cập
1179
2406
36439
2868307
68556
49921
2930907

IP: 18.189.184.99
21:10 23/11/2024

Đổi mới nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp

 

     Ngày 16/1/2017, tại TP.HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo của Trung ương, địa phương và đại biểu các Bộ, ngành liên quan; đại biểu các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Phòng Dạy nghề thuộc Sở; đại diện các hiệp hội, trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

       Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ, được sự đồng thuận của Phó Thủ thướng Vũ Đức Đam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị có chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” nhằm định hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020; triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

      Bộ trưởng cho biết: Theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao quản lý Nhà nước về lĩnh vực GDNN. Hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường cao đẳng nghề, 583 trung cấp nghề. Đây được xem là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có tay nghề tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, lao động qua đào tạo chưa có việc làm…

       Bộ trưởng cho rằng: Khi Luật GDNN được thông qua, việc giao cấp quản lý lĩnh vực GDNN về một mối cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là hết sức cần thiết. Hội nghị này thông tin đến các đại biểu Dự thảo về Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020 là bước tham khảo ban đầu nhằm lấy ý kiến của đông đảo đại biểu tập trung bàn luận các vấn đề trong phạm vi của Đề án là: nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là liên thông đào tạo, quy hoạch mạng lưới GDNN.

      "Tiếp thu những góp ý từ đại biểu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục quán triệt xây dựng hoàn thiện Đề án, xem vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN là khâu đột phá quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong năm 2017 và thời gian tới" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

       Trình bày về Dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề cho biết: Dự thảo có nhiều phần nội dung quan trọng, trong đó phần đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2012-2020 tập trung làm rõ về thời cơ, thách thức; dự báo nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN với tổng số lao động giản đơn đến năm 2025 là khoảng 12,42 triệu người, lao động có kỹ năng trong nông, lâm, ngư nghiệp là 9,21 triệu người, số công nhân kỹ thuật vận hành máy và thợ lắp ráp là 7,7 triệu người và số lao động thủ công là 7,5 triệu người…

     

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề báo cáo về dự thảo đề án

Theo dự báo, tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 khoảng gần 44 triệu người, trong đó số nhân lực qua đào tạo GDNN năm 2020 khoảng 39 triệu người, phân theo bậc sơ cấp nghề khoảng 24 triệu người, trung cấp là gần 12 triệu người, bậc cao đẳng là hơn 3 triệu người.

      Để thực hiện các mục tiêu đổi  mới, nâng cao chất lượng GDNN, nhóm giải pháp nêu trong Đề án tập trung ở đổi mới thể chế; hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách GDNN; đổi mới chương trình đào tạo; đổi mới quản trị nhà trường theo mô hình quản lý hiện đại, gắn kết đào tạo nghề nghiệp với sử dụng lao động, giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, xã hội hóa GDNN…

     Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các trường Cao đẳng, trung cấp đến từ các tỉnh, thành phố  trong cả nước. Các  đại biểu thống nhất cao về các nhóm giải pháp nêu trong Dự thảo Đề án. TS.Nguyễn Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM cho rằng: Cần quan tâm song song, thống nhất các nhóm giải pháp vĩ mô và vi mô. Giải pháp vĩ mô là cấp quản lý với việc quan tâm ban hành cơ chế, chính sách thực thi Luật GDNN, chiến lược phát triển lĩnh vực GDNN, nhất là quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề. Giải pháp cấp vi mô là từng trường, cơ sở dạy nghề phải xác định được các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình hoạt động của mình. Trong đó, chú trọng đến áp dụng các mô hình giảng dạy ngành nghề theo chuẩn phù hợp nhu cầu cần của xã hội, doanh nghiệp; kết nối được các doanh nghiệp để đào tạo có địa chỉ, có môi trường cho người học thực hành, rèn luyện tay nghề…

      Góp ý cho việc đổi mới trong lĩnh vực GDNN, ThS. Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông chia sẻ: Cần quan tâm đến chất lượng đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề. Vì đây là lực lượng quan trọng chuyển đổi, cụ thể hóa các nội dung chương trình, giáo trình đào tạo đến người học. Các giáo trình mới, mô hình dạy nghề mới khi áp dụng cũng cần lực lượng giáo viên nắm được mới truyền tải thành công cho người học. Song song đó, quan tâm chất lượng đào tạo là phải đầu tư trang thiết bị “thật”, có chất lượng để người học thực hành được, có thể làm ra sản phẩm bán được cho doanh nghiệp khi có nhu cầu.

      Gợi ý việc thu hút số lượng người học tại cơ sở dạy nghề, trường nghề, ông Hải cho rằng: Hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề cần áp dụng phương pháp tạo cơ chế liên thông đào tạo thông thoáng, có như vậy người học nghề khi chọn học sẽ biết được mình có cơ hội được học liên thông lên trình độ cao hơn mà không bị khó khăn, trở ngại. Đó cũng là con đường để người học nghề yên tâm rằng học nghề xong, có việc làm, mức lương và kinh nghiệm tích lũy rồi vẫn có thể được học liên thông lên dễ dàng để hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đáp ứng được nhu cầu xã hội.

     Phát biểu chỉ đạo các vấn đề cần làm rõ tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Giao lĩnh vực GDNN cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý là đưa về một mối có sức mạnh chung. Vấn đề quan trọng cần thảo luận là sau khi nghe giới thiệu về Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020, các đại biểu làm rõ có gì vướng mắc, đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN là cái gì? Cần tìm ra “chìa khóa” cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng phải chăng là tự chủ, phải chăng là câu chuyện phối hợp, tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực với các trường, cơ sở GDNN?

    Với tinh thần quán triệt đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đại biểu phát biểu cụ thể, thẳng thắn, đi thẳng vào các vấn đề quan tâm nhằm góp ý cho Đề án với các nội dung sơ bộ ban đầu để từ đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo hướng dẫn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tiếp thu đưa việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN có ý nghĩa, hiệu quả thực chất.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các cơ sở đào tạo tiến tới cần tự chủ trong việc đào tạo, tự chủ về tài chính, được toàn quyền tổ chức xây dựng bộ máy, chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động; tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo. Phó Thủ tướng cho rằng, chìa khóa thành công trong công tác đào tạo là nhà trường phải gắn với doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng về yêu cầu ngành nghề, chất lượng đầu ra và sản phẩm được doanh nghiệp đánh giá cao. Vấn đề quan trọng hơn nữa là sinh viên sau khi tốt nghiệp được các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và có việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo.

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh gia cao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khi được Chính phủ giao quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã nhanh chóng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và đã có văn bản chỉ đạo kịp thời để các trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục và nghề nghiệp nắm rõ được phương hướng và mục tiêu cũng như kế hoạch đào tạo trong thời gian tới. Đồng thời, tổ chức Hội nghị để phổ biến, lắng ghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội giáo dục và đặc biệt là  khối các trường cao đẳng, trung cấp trước đây thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để các trường yên tâm tổ chức tuyển sinh và đào tạo. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã khẳng đinh các trường cao đẳng, trung cấp trước khi bàn giao về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mà đang triển khai, xây dựng các chương trình chưa hoàn thiện thì nay vẫn được tiếp tục hoàn thiện theo kế hoạch đã đề ra. Bộ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các trường để các trường phát huy thế mạnh của mình trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

     Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các trường cao đẳng, trung cấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Qua ý kiến chí đạo của Phó Thủ tướng và 12 ý kiến đề xuất, kiến nghị của các địa phương cũng như các trường cao đẳng, trung cấp, các hiệp hội  đã nêu lên các ý kiến thẳng thắn và trách nhiệm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin tiếp thu các ý kiến nêu trên và sẽ có văn bản chỉ đạo kịp thời gửi cho  các địa phương cũng như các cơ sở đào tạo để yên tâm thực hiện kế hoạch tuyển sinh đào tạo trong thời gian tới. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nêu ra: Khi Chính phủ thống nhất về một đầu mối và giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thì vẫn có ý kiến này, ý kiến kia, nhưng hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây và trao đổi một cách thẳng thắn, cởi mở, chân thành và các đơn vị phải chấp hành thực hiện đúng với chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực ngày càng hiệu quả hơn.

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về mô hình giáo dục nghề nghiệp là theo hướng nghiên cứu và thực hành. Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp mà ngành quản lý. Đồng thời, Bộ sẽ có văn bản chỉ đạo trực tiếp gửi tới các địa phương trong việc chỉ đạo và bàn giao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương về các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.

nguồn: http://www.molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=26075

Fanpage

Đường đi đến VMU

BAN BIÊN TẬP

Chịu trách nhiệm nội dung và xuất bản:
PGS.TS. Đỗ Quang Khải - Hiệu trưởng
Mọi ý kiến đóng góp, gửi bài cho Trang Web: vmc.edu.vn
Xin vui lòng gửi tại đây
 
TRƯỜNG CAO ĐẲNG VMU_Trụ sở: Đường Hải Triều, Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng; _Khu giảng đường: Giảng đường B - Đại học Hàng hải VN - Số 338 Lạch Tray, Hải Phòng.

Thành viên